PHẦN 2: TỘI PHẠM HÌNH SỰ

I. Tội phạm cướp, cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản:

1. Các thủ đoạn của tội phạm cướp:

Đối tượng phạm tội lợi dụng cửa mở sẵn để đột nhập vào nhà hoặc tạo ra những lý do hợp lý để đột nhập vào nhà như: giả danh, hóa trang thành nhân viên kiểm tra điện, nước để chủ nhà mất cảnh giác, sau đó bất ngờ dùng vũ lực, đe dọa, khống chế cướp, chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng có thể thuê xe ôm công nghệ và điều đến địa điểm vắng vẻ ít người qua lại, sử dụng vật sắc nhọn khống chế nạn nhân để thực hiện hành vi cướp tài sản.

Đối tượng có thể chiếm quyền điều khiển ứng dụng, dịch vụ trên Internet hoặc trang mạng xã hội của người dân để nhắn tin nhằm mục đích điều người thân của họ đến nơi vắng vẻ để thực hiện hành vi cướp tài sản.

Đặc biệt các đối tượng tạo ra những tình huống khiến người tham gia giao thông mất cảnh giác, buộc phải dừng phương tiện như: đóng giả người tai nạn hoặc cho trẻ em ngồi dưới lòng đường, đặt các chướng ngại vật trên đường vào buổi tối, hoặc dàn cảnh các vụ tai nạn, va chạm giao thông, đánh ghen, đánh nhau... Khi người tham gia giao thông nhìn thấy, dừng phương tiện và tiến lại gần, các đối tượng phục sẵn quanh khu vực này sẽ ngay lập tức xông ra khống chế hoặc dùng các thủ đoạn như đánh thuốc mê... và chiếm đoạt tài sản.

2. Các thủ đoạn của tội phạm cướp giật tài sản:

Chúng thường sử dụng xe máy đi dạo trên các tuyến đường để quan sát người đi đường, nhằm phát hiện những người để sơ hở như: dây chuyền, điện thoại di động, túi xách... để thực hiện cướp giật tài sản.

Có trường hợp các đối tượng cướp giật theo dõi những người đi lĩnh tiền ở ngân hàng, mua sắm vàng, đi thu tiền bán hàng, tiền trả nợ... để chọn mục tiêu gây án. Chúng thường sử dụng xe máy được tháo biển số hoặc gắn biển số giả, che kín biển số, có khi sử dụng biển số thật của xe khác.

Đối với băng nhóm tội phạm cướp giật, chúng thường đi thành từng nhóm, phân công nhiệm vụ: đối tượng cầm lái, đối tượng cướp giật và đối tượng đi sau làm nhiệm vụ cản đường khi bị truy đuổi.

Có trường hợp chúng tạo ra sơ hở của người đi đường, người có tài sản để tạo điều kiện cho đối tượng đồng bọn ra tay giật tài sản.

3. Các thủ đoạn của tội phạm trộm đột nhập:

Đối tượng thường nhằm vào các cơ quan, nhà văn phòng, nhà dân không có ai trông coi, bảo vệ và đều nằm ở khu vực dân cư thưa, dễ đột nhập, hệ thống cửa không đảm bảo (dễ cắt, phá khóa...), không có hệ thống Camera an ninh.

Trước khi đột nhập các đối tượng thường đến hiện trường để nắm tình hình, khảo sát địa bàn, nghiên cứu các phương tiện, thiết bị bảo vệ như tường rào, khóa cửa, thiết bị báo động, lối ra vào, quy luật sinh hoạt của các hộ gia đình. Sau đó, sẽ bàn bạc cùng các đối tượng khác, chuẩn bị phương tiện, công cụ để gây án, khi các cửa hàng không có người trông coi, hoặc vào đêm tối các hộ gia đình ngủ say, các đối tượng đột nhập vào để trộm cắp tài sản.

4. Các thủ đoạn của trộm xe máy:

Thủ đoạn chủ yếu của tội phạm trộm cắp xe máy là lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý xe máy như: dựng xe không sử dụng khóa chống trộm, không có người trông xe hoặc thậm chí nạn nhân còn để sẵn chìa khóa trên xe, đối tượng dùng chìa khóa vạn năng hoặc kìm phá khóa để phá khóa trộm xe. Đột nhập vào nhà trộm xe máy có sẵn chìa khóa và tẩu thoát.

Giả làm người giữ xe để dắt trộm xe của khách ở các nhà hàng, quán cà phê, địa điểm dịch vụ khác cần phải gửi xe.

Đối tượng trộm cắp làm giả vé giữ xe đánh tráo ghi thêm, xóa bớt vào vé xe, trên thân xe hoặc sử dụng biển số xe máy giả để trộm cắp xe máy ở bãi giữ xe, giữ xe không lấy vé... trộm xe máy diễn ra mọi thời điểm khi có sơ hở của chủ phương tiện là đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.

Bên cạnh đó thủ đoạn của các đối tượng trộm thường gồm vài tên tạo ra tình huống giả để gây sự chú ý, đánh lạc hướng các nhân viên trông giữ xe như: xô xát, cãi vã, đánh nhau thậm chí đơn giản chỉ là hỏi đường và khi lực lượng bảo vệ vào can thiệp không chú ý đến bảo vệ tài sản đồng bọn sẽ lợi dụng thời cơ nhanh chóng thực hiện hành vi lấy cắp xe máy.

4. Các thủ đoạn của trộm xe máy:

Thủ đoạn chủ yếu của tội phạm trộm cắp xe máy là lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý xe máy như: dựng xe không sử dụng khóa chống trộm, không có người trông xe hoặc thậm chí nạn nhân còn để sẵn chìa khóa trên xe, đối tượng dùng chìa khóa vạn năng hoặc vam phá khóa để phá khóa trộm xe. Đột nhập vào nhà trộm xe máy có sẵn chìa khóa và tẩu thoát.

Giả làm người giữ xe để dắt trộm xe của khách ở các nhà hàng, quán cà phê, địa điểm dịch vụ khác cần phải gửi xe.

Đối tượng trộm cắp làm giả vé giữ xe đánh tráo ghi thêm, xóa bớt vào vé xe, trên thân xe hoặc sử dụng biển số xe máy giả để trộm cắp xe máy ở bãi giữ xe, giữ xe không lấy vé... trộm xe máy diễn ra mọi thời điểm khi có sơ hở của chủ phương tiện là đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.

Bên cạnh đó thủ đoạn của các đối tượng trộm thường gồm vài tên tạo ra tình huống giả để gây sự chú ý, đánh lạc hướng các nhân viên trông giữ xe như: xô xát, cãi vã, đánh nhau thậm chí đơn giản chỉ là hỏi đường và khi lực lượng bảo vệ vào can thiệp không chú ý đến bảo vệ tài sản đồng bọn sẽ lợi dụng thời cơ nhanh chóng thực hiện hành vi lấy cắp xe máy.

5. Thủ đoạn trộm xe ô tô:

Lợi dụng sơ hở của chủ xe để xe chỗ khuất hoặc nơi không có người trông giữ các đối tượng đã cậy, đập vỡ cửa kính, cửa xe và điều khiển xe đến nơi cất giấu và tiêu thụ dễ dàng do nhiều chủ xe còn để toàn bộ giấy tờ của xe như đăng ký, đăng kiểm... trong ca bin, ngăn kéo của xe. Các trường hợp không có giấy tờ xe thì các đối tượng tìm cách làm giả rồi mang đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh.

6. Biện pháp phòng ngừa đối với các loại tội phạm trên:

Để chủ động phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản, toàn thể cán bộ và nhân dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, luôn chủ động tự quản lý và bảo vệ tài sản của mình, không trao đổi, giao dịch hoặc làm theo yêu cầu của các đối tượng chưa rõ nhân thân, lai lịch, thường xuyên theo dõi cập nhật tình hình ANTT tại địa phương nhất là trên những tuyến đường, khu vực hay di chuyển. Không cất giữ, mang theo nhiều tiền bạc, tài sản, trang sức có giá trị một cách không cần thiết khi đi bộ, đi xe đạp, xe máy, nhất là những nơi đông người như: trung tâm thương mại, khu vực vui chơi giải trí, chợ, bến tàu, xe hoặc trên phố... Trường hợp buộc phải mang trong người nhiều tài sản nên để vào cốp xe, giữ bí mật không để người lạ hoặc những mối quan hệ không thân thiết biết, khi di chuyển phải có ít nhất 2 người và di chuyển thẳng đến nơi cần đến.

Trường hợp đang di chuyển vào ban đêm thấy có vật cản, người nằm trên đường và kêu cứu hoặc trẻ em ngồi một mình cần nhanh chóng quan sát xung quanh, dùng các thiết bị ghi hình ghi lại và quay đầu xe lại nơi có đông dân cư, báo cáo cơ quan Công an, chính quyền địa phương để có biện pháp giải quyết. Riêng đối với lái xe ôm, xe taxi cần chủ động từ chối, hạn chế nhận chở khách đến những địa điểm vắng vào ban đêm, đồng thời chú ý thái độ biểu hiện của khách.

Đối với các hộ gia đình cần gia cố cửa nhà, sử dụng các loại khóa có chức năng chống trộm, chống axit, khóa trong để chống cắt phá khóa. Khi đi ngủ cần kiểm tra kỹ các cửa ra vào, cửa sổ, các cửa trên tầng, cửa ra ban công, tum, sân thượng. Khi vắng nhà qua đêm, vắng nhà nhiều ngày phải nhờ người trông coi hoặc đem gửi các tài sản có giá trị. Nên làm tường rào ngăn chặn việc đối tượng trèo cây xanh, cột điện gần để đột nhập vào nhà, khuyến khích trang bị camera giám sát hoặc chuông báo động chống trộm để quan sát từ xa. Tạo mối quan hệ gắn bó với mọi người xung quanh, phải biết số điện thoại di động của hàng xóm, Công an phường để được hỗ trợ. Tuyệt đối không cho người lạ mặt vào nhà khi chưa kiểm tra được nhân thân của họ.

Đối với các cửa hàng kinh doanh vàng bạc, đá quý, chi nhánh ngân hàng. Yêu cầu bố trí nhân viên bảo vệ chuyên trách, cần lắp hệ thống báo động và hệ thống camera giám sát an ninh có lưu giữ hình ảnh ít nhất 1 tuần để phục vụ công tác điều tra sau này.

Tuyệt đối không cung cấp số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân, mã OTP cho người khác.

Để đảm bảo quyền lợi trong giao dịch và quyền lợi cá nhân, người dân cần cảnh giác với tất cả các yêu cầu liên quan đến việc vào các trang mạng kèm theo yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, mã đăng nhập dịch vụ internet banking, số thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ,...

Đối với xe máy cần phải trang bị thêm khóa chống trộm (khóa bánh, khóa chống trộm, còi báo động...) khóa phanh đĩa, khóa chân chống. Chú ý khi để xe ở những nơi công cộng, cơ sở dịch vụ phải có người trông coi, có vé gửi xe, khi về nhà tạo thói quen đưa xe máy vào bên trong nhà, không nên để xe trước sân nhà, hành lang, rút chìa khóa xe cất an toàn dù xe đang để trong nhà.

Đối với xe ô tô cách đơn giản nhất là sử dụng các thiết bị chống trộm được trang bị sẵn cho xe như các loại khóa vô lăng, các thiết bị báo động, các thiết bị theo dõi... hoặc một số công cụ bảo vệ khác. Chủ xe cần đóng kín các cửa kính, khóa cửa xe và rút chìa khóa mỗi khi ra khỏi xe, gửi xe vào nơi quy định.

Xe ô tô nên để tại những điểm đỗ là khu vực sáng đèn, chỗ nhiều người qua lại, quản lý chìa khóa cẩn thận, không để xe nổ máy khi rời khỏi xe.

II. Hoạt động tổ chức đánh bạc, đánh bạc trên không gian mạng:

1. Hoạt động tổ chức đánh bạc trên không gian mạng:

Đường dây tổ chức đánh bạc hoạt động theo hình thức máy chủ của trang web đánh bạc liên kết với các đại lý cấp 1 ở Việt Nam. Mỗi đại lý đều công khai thông tin số điện thoại hotline, tài khoản Facebook, Zalo, tài khoản ngân hàng để người chơi tham gia cá cược liên lạc, giao dịch mua bán điểm game.

Trang web tổ chức cho người chơi tham gia đánh bạc dưới nhiều hình thức như: lô đề, tiến lên miền nam, sóc đĩa, đua ngựa, chắn, tá lả...Đối tượng đứng tên đăng ký tài khoản trên trang web để mua bán điểm game với người tham gia cá cược trên mạng.

Đối tượng có thể trực tiếp sử dụng tài khoản cá nhân tại các ngân hàng hoặc sử dụng tên của nhiều người khác mở tài khoản tại các ngân hàng để giao dịch mua bán điểm game với các con bạc.

Đối tượng tìm và lôi kéo những người thân quen, là game thủ nổi tiếng, giỏi công nghệ thông tin để tổ chức quay, bình luận các trận thi đấu game, hoặc tổ chức trực tiếp cho các tài khoản tham gia đánh bạc trên mạng.

2. Hoạt động đánh bạc trên không gian mạng:

Để thực hiện hành vi đánh bạc, người chơi có tài khoản được mở tại ngân hàng. Sau khi mở tài khoản chơi game, người chơi sẽ thông qua ngân hàng đổi tiền thật thành tiền ảo, nếu thắng đại lý sẽ thu mua tiền ảo bằng tiền thật và chuyển về tài khoản người chơi thông qua ngân hàng.

3. Hậu quả của hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng:

Hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng diễn ra gây nguy hại nghiêm trọng cho cá nhân người chơi. Tuy mục đích ban đầu chỉ là chơi giải trí, nhưng lâu dần sẽ nghiện và khó bỏ làm cho con người u mê đầu óc, không có chí hướng làm ăn. Vì tâm lý hy vọng kiếm nhiều tiền từ vận may nên càng chơi họ càng kiệt quệ về kinh tế của bản thân và gây mâu thuẫn, tan vỡ hạnh phúc gia đình. Không những vậy hoạt động này còn gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự khi người chơi luôn tụ tập thành những điểm đông người kéo theo tệ nạn ma túy và mại dâm phát triển.

4. Biện pháp phòng ngừa:

Mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, quan tâm, quản lý con em mình tránh tiếp tay, tham gia tụ tập đánh bạc, tổ chức đánh bạc trên không gian mạng.

Người dân tuyệt đối không cho người khác sử dụng tài khoản ngân hàng, không tặng hoặc cho người khác thuê mở, bán tài khoản ngân hàng, ví điện tử và các tài khoản có chức năng thanh toán vào các trò chơi đổi thưởng.

Người dân cần nâng cao cảnh giác không tạo điều kiện cho các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng vào mục đích vi phạm pháp luật nhất là việc nhận, chuyển tiền, rửa tiền từ hoạt động tổ chức đánh bạc, đánh bạc trên không gian mạng; kịp thời cung cấp thông tin về các tệ nạn xã hội nói chung và các hoạt động tổ chức đánh bạc, đánh bạc trên mạng Internet nói riêng cho các cơ quan chức năng.

III. Tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em, mua bán trẻ em:

1. Phương thức, thủ đoạn của tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em như sau:

Thăm dò, tìm hiểu, nghiên cứu những gia đình có điều kiện về mặt kinh tế và đang có con nhỏ; nghiên cứu quy luật sinh hoạt của những người lớn trong gia đình, nghiên cứu quy luật học tập và sinh hoạt của trẻ nhỏ trong gia đình để tìm ra những sơ hở của người lớn trong việc quản lý trẻ nhỏ nhằm thực hiện hành vi bắt cóc.

Bí mật theo dõi trước cửa nhà, cổng trường học... Khi nhận thấy sự xao nhãng của người lớn trong việc quản lý, trông coi trẻ, đối tượng thực hiện hành vi bằng cách mua chuộc dụ dỗ trẻ nhỏ. Khi trẻ nhỏ nghe theo lời đối tượng đến một địa điểm có khoảng cách xa so với tầm quản lý của người lớn, đối tượng sẽ thực hiện hành vi bắt cóc.

Phát hiện trẻ chơi một mình trên đường hoặc đi cùng bố mẹ ra nơi công cộng nhưng vị trí cách xa người lớn, đối tượng tìm cách tiếp cận, bắt quen và dùng những thứ hấp dẫn trẻ như: bánh kẹo, đồ chơi... để câu nhử trẻ đi theo chúng. Giả danh người nhà hoặc người được bố mẹ nhờ đón lừa giáo viên, lừa trẻ nhỏ để đưa đi. Đóng giả y tá, bác sĩ hoặc bệnh nhân, người nhà bệnh nhân lân la làm quen với sản phụ tại bệnh viện rồi lợi dụng sơ hở để bắt cóc trẻ sơ sinh, đặc biệt có trường hợp chúng giả danh thân nhân sản phụ ngang nhiên đón trẻ sơ sinh từ tay y tá rồi bế đi.

Lợi dụng quan hệ quen biết hoặc lòng tốt của người dân, đối tượng tạo hoàn cảnh khó khăn xin ngủ nhờ, nhân lúc người nhà ngủ say, chúng ra tay bắt cóc, cướp luôn đứa trẻ rồi tẩu thoát.

Theo dõi những phụ nữ chở con nhỏ đi đường không đeo đai an toàn, đối tượng chủ động va quệt xe vào họ gây tai nạn, làm đổ ngã xe để đồng bọn vờ là người đi đường tốt bụng bế đứa trẻ lên rồi phóng đi.

Trẻ em bị lạc bố mẹ, lạc đường đối tượng dỗ dành lừa đưa đi. Lợi dụng tình trạng khó khăn của trẻ em đường phố (đi ăn xin, bán báo...) để dụ dỗ, lừa gạt hoặc dùng vũ lực bắt đi. Cướp giật trẻ em trên tay người mẹ tại nơi công cộng như chợ, trên đường...Đối tượng kết bạn với trẻ trên mạng xã hội (Zalo, Facebook...) làm quen, rủ đi chơi và bắt cóc.

2. Thủ đoạn của tội phạm mua bán trẻ em:

Với những trường hợp bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em để bán lại cho các đường dây buôn người, các đối tượng thường móc nối, liên hệ trước với đồng bọn này, bắt cóc trẻ em theo “đơn đặt hàng”. Khi bắt cóc được chúng tổ chức giao hàng qua các khâu trung gian.

Đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những học sinh đua đòi, lười học, chúng thường tìm hiểu sở thích rồi kết bạn trên mạng xã hội để dụ dỗ lừa các em học sinh theo. Khi các em mất cảnh giác thì các đối tượng câu kết với đối tượng bên ngoài đưa các em vượt biên trái phép, bán các em vào ổ mại dâm hoặc làm vợ trong các gia đình người nước ngoài.

3. Biện pháp phòng ngừa:

Hãy dạy trẻ nhớ thuộc lòng tên, số điện thoại, nghề nghiệp của bố, mẹ, địa chỉ nhà và phải giữ bí mật những thông tin này.

Dạy trẻ không nói chuyện hoặc đi theo người lạ, không ăn uống bất kỳ thứ gì người lạ cho vì những thứ đó có thể bị tẩm thuốc mê, trẻ ngửi ăn sẽ bị trúng độc.

Hướng dẫn trẻ kỹ năng xử lý tình huống khi bị người lạ kéo, dắt lôi đi. Trước tiên hãy gào, khóc thật to hoặc hô lớn “Bắt cóc, cứu cháu với” để gây chú ý cho những người xung quanh. Khi việc la hét không hiệu quả dạy trẻ hãy ngoan ngoãn đi theo và bất ngờ xỉa tay vào mắt, đá mạnh vào hạ bộ rồi bỏ chạy, kêu cứu thật to.

Dạy trẻ khi tham gia các hoạt động tập thể ngoài trời phải tuân theo các quy định của người phụ trách, tuyệt đối không tách đoàn, chạy lăng xăng dễ lạc và bị bắt cóc.

Dạy trẻ nhớ và sử dụng số điện thoại của cảnh sát phản ứng nhanh (113) để khi cần có thể liên lạc.

Nếu có thể các phụ huynh hãy trang bị giải pháp quản lý con em bằng những sản phẩm công nghệ tiên tiến. Các phụ huynh hãy cân nhắc khi đưa các thông tin của con (như tên trường, lớp, họ tên đầy đủ...) lên mạng xã hội.

Các bậc phụ huynh nên quan tâm đưa đón con đừng vì mải công việc quên đón hoặc giao con cho người không phải ruột thịt trong gia đình đón có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.

IV. Tội phạm xâm hại trẻ em:

1. Thủ đoạn hoạt động của tội phạm xâm hại trẻ em:

Thủ phạm thường dành thời gian nghiên cứu, xác định đối tượng để tìm cách tiếp cận. Khi tiếp cận được đối tượng, thủ phạm sẽ tiến hành tạo niềm tin ở trẻ. Với trẻ nhận thức còn khá đơn giản, khi một người tiếp cận trẻ theo hướng này, trẻ sẽ rất dễ yêu quý lại. Đa phần thủ phạm nắm được tâm lý này của trẻ và sẽ dành thời gian quan tâm, kết bạn, chăm sóc, đưa trẻ đi chơi, cho trẻ làm những điều trẻ thích như: Chơi điện thoại, cho tiền trẻ hoặc tặng quà... để tạo lòng tin với trẻ và gia đình dẫn đến mất đề phòng cảnh giác.

Thủ phạm xây dựng bí mật riêng với trẻ và sử dụng mưu mẹo để thuyết phục trẻ giữ lời hứa hoặc đe dọa, ép buộc để trẻ không tiết lộ hoặc nói với ai... Thủ phạm có thể nói: “Đây là bí mật riêng của cháu và ta nhé, không được kể lại với ai nhé”.

Đặc trưng của đối tượng xâm hại trẻ em là người thân, quen biết, có mối quan hệ hàng xóm gần nhà lợi dụng bố mẹ đi vắng, trẻ em thiếu thốn tình cảm để thực hiện hành vi xâm hại; thủ phạm thường nói chuyện hướng đến các vấn đề nhạy cảm, chia sẻ với trẻ những tài liệu đồi trụy khiến trẻ trở nên “mất cảnh giác”. Đối tượng có thể thỏa thuận cho trẻ quà để được ôm, hôn như hình thức “nhử mồi” và khiến trẻ có cảm giác là được phép.

Khi đã đạt được một số hành vi, mục đích trên đối tượng sẽ tiến tới việc giới tính hóa quan hệ với trẻ.

2. Biện pháp phòng ngừa:

Bố, mẹ, người thân trong gia đình cần dạy trẻ những quy tắc trong giao tiếp như: chỉ ôm, hôn với những người thân ruột thịt trong một nhà (ông, bà, bố, mẹ, anh, chị).

Dạy trẻ về giới tính và các vùng nhạy cảm trên cơ thể.

Phụ huynh hãy hướng dẫn con mình nội dung như: “Nếu ai đó cố ý động chạm con bằng được và con không thích điều đó, hãy xử lý nhanh nhất bằng cách bỏ chạy và la hét thật lớn”. Bên cạnh đó bố, mẹ cũng cần dạy trẻ chú ý không chạm vào vùng nhạy cảm của người khác, đặc biệt là một người khác giới để phòng tránh bị lợi dụng, dụ dỗ hay vô tình kích thích thú tính của những kẻ xấu xa.

Nhắc nhở trẻ không nên bắt chuyện hay làm quen với bất kỳ ai nếu không có sự đồng ý của bố, mẹ. Khi trẻ ở nhà một mình bố, mẹ cần dạy trẻ tuyệt đối không được cho bất kỳ người nào vào nhà, kể cả người thân, quen. Khi có ai gọi cửa trẻ cần phải thông báo (gọi điện) cho bố, mẹ biết. Lúc chưa được sự cho phép của bố mẹ thì tuyệt đối con không được mở cửa.

Bố, mẹ cần thường xuyên quan tâm nói chuyện cùng con giúp trẻ thấy an toàn và chia sẻ về những người trẻ không thích hay có những hành vi đụng chạm, vượt quá giới hạn với trẻ. Ngoài ra bố, mẹ cũng nên dạy cho trẻ ghi nhớ số điện thoại của bố, mẹ, số điện thoại khẩn cấp như 113.

V. Tội phạm mua bán người:

1. Phương thức, thủ đoạn:

Các đối tượng hứa hẹn việc làm, môi giới hôn nhân, cho nhận con nuôi...Chúng thường lên mạng Internet để làm quen, dụ dỗ các bé gái và chị em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn có nhu cầu việc làm theo chúng lên biên giới tìm việc hoặc vờ yêu đương rồi bán cho bọn mua bán người. Thời gian gần đây đã xuất hiện cả những vụ mua bán trẻ sơ sinh, mua bán nội tạng, đẻ thuê....

2. Biện pháp phòng ngừa:

Để phòng ngừa, đấu tranh với những loại tội phạm này, trước hết mọi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân, tránh tạo môi trường thuận lợi để bọn tội phạm lợi dụng. Luôn cảnh giác, đề phòng người lạ hoặc cả người quen đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn. Cảnh giác với những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có. Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác nhất là từ người lạ mới quen biết...

Thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, có thể đảm bảo an toàn cho bản thân. Đồng thời tuyên truyền cho những người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với tội phạm mua bán người.